Thực hư về 'siêu thực phẩm' chống lại ung thư

Khái niệm "siêu thực phẩm" không có ý nghĩa về mặt dinh dưỡng mà chỉ đơn thuần là một thuật ngữ tiếp thị, Liên minh châu Âu cấm sử dụng tên gọi này trên bao bì sản phẩm.

Post by admin

00:01 - 30/12/2016

Bình luận

Vài năm gần đây thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm được quảng cáo là "siêu thực phẩm" và rao bán trên mạng. Theo định nghĩa của các nhà sản xuất: "Siêu thực phẩm là thực phẩm giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe và thể trạng, đặc biệt có khả năng chống lại ung thư". Tuy nhiên bác sĩ Fahma Sunarja, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp của Trung tâm ung thư CanHOPE, Singapore, khuyến cáo khái niệm "siêu thực phẩm" không có ý nghĩa về mặt khoa học dinh dưỡng mà chỉ đơn thuần là một thuật ngữ tiếp thị. Hiện nay Liên minh châu Âu (EU) đã cấm sử dụng tên gọi này trên bao bì.

 

 

Bác sĩ Sunarja nhìn nhận sở dĩ một số sản phẩm được dán nhãn "siêu thực phẩm" vì chúng có đặc tính chống oxy hóa hoặc chứa các chất phytonutrient, phytochemical hoạt động như hoạt tính chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa được cho là có khả năng kháng lại các gốc tự do - một trong những nguyên nhân gây ung thư. Chất chống oxy hóa cũng có trong rất nhiều thực phẩm thường ngày như sữa chua, trứng, các loại hạt, quinoa, bông cải xanh và quả mọng. Nếu xét về công dụng, bác sĩ cho rằng tất cả loại rau củ quả đều xứng đáng được gọi là siêu thực phẩm do đặc tính dinh dưỡng đa dạng của chúng. Việc nhà sản xuất thổi phồng công dụng của vài loại thực phẩm chỉ là chiêu tạo cơn sốt để đẩy giá sản phẩm lên cao.

Trả lời cho câu hỏi "Các siêu thực phẩm có thực sự giúp chống lại ung thư?", bác sĩ Sunarja cho rằng đến nay chưa có bằng chứng khoa học khẳng định việc sử dụng một vài loại siêu thực phẩm nào đó có thể ngăn ngừa ung thư. "Không phủ nhận mặt tốt từ việc ăn các loại thực phẩm như vậy, nhưng thực tế không một loại siêu thực phẩm nào có sức mạnh tiêu diệt hoặc ngăn ngừa bệnh ung thư hoàn toàn", bác sĩ nói.

Thay vào đó, bác sĩ Sunarja khuyên nên có một chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng với nhiều loại thực phẩm khác nhau, "siêu thực phẩm" chỉ nên xem là một phần của chế độ ăn uống. Bác sĩ khẳng định: "Mọi người cần tập thói quen ăn đa dạng thực phẩm và cân bằng các nhóm chất để có đủ dinh dưỡng đa lượng và vi lượng, giúp cơ thể hoạt động tối ưu và phòng tránh bệnh tật".

Bác sĩ Sunarja giải thích thêm: Ung thư là một căn bệnh phức tạp và ảnh hưởng đến từng cá thể theo cách khác nhau. Nguyên tắc phòng chống ung thư cần khởi đi từ việc thay đổi thói quen sống của mỗi người. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh nguy cơ ung thư tùy thuộc vào những gì bạn ăn hàng ngày, thời lượng tập thể dục bao nhiêu, có hút thuốc uống rượu không, dành bao nhiêu thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời... Nguy cơ mắc bệnh càng tăng cao khi có sự kết hợp của các yếu tố gene, môi trường và các "lỗ hổng" về sức khỏe mà bạn chưa kiểm soát được. "Ít nhất 4 trong số 10 người có thể ngăn ngừa được ung thư bằng cách đơn giản là thay đổi lối sống", bác sĩ Sunarja khẳng định.

Danh mục tin