Theo Medicalnewstoday, nhiều người lớn có thói quen vừa bế ẵm vừa rung lắc trẻ, nhất là khi bé khóc. Một số người còn tung đứa trẻ lên xuống như một cách vui đùa. Các chuyên gia cảnh báo hành vi này có thể khiến cơ thể non nớt của bé bị chấn thương, thuật ngữ y khoa gọi là hội chứng SBS (Shaken Baby Syndrome - chấn thương não do lắc mạnh hay trẻ bị lắc gây chấn thương cổ).
Nghiên cứu lâm sàng cho thấy các cơ quan trong cơ thể trẻ rất non nớt, sự liên kết giữa não và hộp sọ khá lỏng lẻo. Khi bị lắc mạnh, đầu và cổ của bé cũng không đủ sức chịu đựng, trong khi não chuyển động trong hộp sọ. Hành vi rung lắc của người lớn thường có xu hướng dừng lại đột ngột khiến cho não trẻ bị dồn ép và xoắn lại dễ dẫn đến tổn thương dây thần kinh, vỡ mạch máu não, thậm chí tử vong.
Thống kê tại Mỹ ghi nhận mỗi năm có khoảng 50.000 trẻ mắc hội chứng SBS, từ 7.500 đến 15.000 ca tử vong, thường gặp nhất ở nhóm dưới 6 tháng tuổi. Chấn thương hộp sọ được xem là một trong những hệ lụy nghiêm trọng nhất của hội chứng SBS. Các chuyên gia thần kinh Mỹ cảnh báo việc rung lắc trẻ dù mạnh hay nhẹ, thường xuyên hay không cũng tạo ra hiệu ứng tiêu cực. Trong đó, nguy hiểm nhất là tổn thương hộp sọ, chấn thương mạch máu trong não, chảy máu dưới hốc mắt và trong hộp sọ.