Kỹ thuật khuếch đại acid nucleic trong an toàn truyền máu

Đầu năm đến nay, Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ phát hiện và loại bỏ gần 4.000 túi máu chứa mầm bệnh truyền nhiễm nhờ các kỹ thuật sàng lọc tiên tiến.

Post by admin

18:47 - 29/12/2016

Bình luận

11 tháng đầu năm, bệnh viện thu được hơn 100.000 đơn vị máu từ người hiến, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, phát hiện 3.397 túi máu dương tính và nghi ngờ dương tính với một trong 4 bệnh truyền nhiễm (HIV, HBV, HCV và giang mai) nhờ xét nghiệm huyết thanh. Tiếp tục sàng lọc bằng kỹ thuật khuếch đại axit nucleic (NAT), phát hiện thêm 122 túi máu dương tính với mầm bệnh.

 

 

Thông qua các quy trình sàng lọc máu chặt chẽ và kỹ thuật tiên tiến, kết hợp xét nghiệm huyết thanh và khuếch đại acid nucleic (NAT), bệnh viện đảm bảo nguồn máu an toàn trước khi sử dụng cho bệnh nhân. Trong năm qua, bệnh viện đã cung cấp khoảng 120.000 đơn vị máu cho 53 bệnh viện khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tăng gần 30.000 đơn vị máu so với năm ngoái.

Những con số này được lãnh đạo bệnh viện đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2016 về “Vận động - Cung cấp máu - Sử dụng máu an toàn” ngày 16/12. Hội nghị thu hút gần 200 đại biểu Sở Y tế Cần Thơ, Hội Chữ thập đỏ, lãnh đạo bệnh viện 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long và các bác sĩ trong ngành đến tham dự.

Các chuyên gia cho biết, năm 2015, Việt Nam tiếp nhận hơn 1,3 triệu đơn vị máu từ người hiến tình nguyện, tăng 9,7% so với năm 2014. Con số này thể hiện chính quyền lẫn người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người. Tuy nhiên theo thống kê của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, gần 10% lượng máu hiến tặng phát hiện có bệnh truyền nhiễm, cao nhất là viêm gan B. Trong an toàn truyền máu, việc sàng lọc mẫu máu hiến có ý nghĩa quan trọng, giúp người nhận không mắc các bệnh lây nhiễm qua đường máu (HIV, viêm gan B, C, giang mai...) từ người hiến. 

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Việt - quyền Giám đốc Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ cho biết: “Bệnh viện đang sử dụng công nghệ sàng lọc máu kết hợp xét nghiệm huyết thanh và kỹ thuật khuếch đại axit nucleic (NAT) của Roche, dựa trên trên công nghệ tiêu chuẩn vàng real-time PCR. Những xét nghiệm tiên tiến này giúp gia tăng khả năng phát hiện virus lây bệnh có trong máu hiến nhanh hơn. Điều này có ý nghĩa to lớn, giúp bệnh nhân nhận được nguồn máu truyền an toàn, kịp thời, đảm bảo sức khỏe”.

Kỹ thuật NAT là một trong những công nghệ sàng lọc máu tiên tiến nhất thế giới hiện nay, có độ chính xác, độ nhạy cao, rút ngắn thời gian phát hiện ở giai đoạn cửa sổ của virus. Cụ thể, kỹ thuật NAT có thể phát hiện virus HIV trong giai đoạn cửa sổ trong 11 ngày sau khi phơi nhiễm, trong khi các kỹ thuật khác mất 18-21 ngày. NAT phát hiện virus viêm gan siêu vi B, C trong 34 ngày và 23 ngày, thay vì 59 ngày và 82 ngày so với kỹ thuật trước đây.

Bộ Y tế cũng ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng kỹ thuật NAT tại các trung tâm truyền máu, khoa xét nghiệm sàng lọc máu của bệnh viện trên toàn quốc theo lộ trình cụ thể. Mục tiêu là đến năm 2018, kỹ thuật NAT sẽ được thực hiện cho mọi đơn vị máu hiến, đảm bảo việc cung ứng nguồn máu an toàn cho người bệnh.

 

 

Ông Rod Ward - Tổng giám đốc Công ty TNHH Roche Việt Nam cho rằng, bệnh nhân thường tin tưởng vào các bác sĩ và toàn bộ hệ thống y tế. Vì vậy, các bệnh viện cần có giải pháp sàng lọc máu toàn diện, đảm bảo nguồn máu an toàn, từ việc cung cấp xét nghiệm, phần mềm, các hệ thống cần thiết đến dịch vụ và kỹ thuật hỗ trợ đi kèm. Kỹ thuật NAT sẽ góp phần cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe bệnh nhân Việt Nam nói chung và người dân tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Danh mục tin