Theo bác sĩ Lim Hong Liang, Trung tâm ung thư PCC, Singapore, ung thư đầu và cổ là căn bệnh rất phổ biến. Đây là nhóm ung thư phát sinh ở mũi, lưỡi, má, họng, amidan, thanh quản, tuyến nước bọt và tuyến giáp. Tùy vào vị trí phát sinh ung thư mà triệu chứng biểu hiện khác nhau:
Ung thư mũi: Ở giai đoạn sớm, triệu chứng thường gặp là viêm xoang mạn tính không đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh, xuất huyết mũi, nhức đầu triền miên, sưng mắt, đau hàm trên, có vấn đề với răng giả.
Ung thư thanh quản: Bệnh nhân bị thay đổi giọng nói, cảm giác khó nuốt.
Ung thư lưỡi, má, họng, amidan: Loét không lành kéo dài trên vài tuần, xuất huyết từ vết loét, máu trong đàm, đau tai kéo dài, khó nuốt.
Ung thư tuyến nước bọt: Có khối u hoặc sưng ở vùng mặt, cổ và miệng, cảm giác tê một phần mặt, yếu cơ mặt một bên.
Phương pháp để chẩn đoán ung thư là sinh thiết. Ngày nay, nhiều bệnh ung thư đầu và cổ có thể được chữa khỏi nhờ phát hiện sớm và điều trị triệt để gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
Một số vị trí phát sinh ung thư ở vùng đầu - cổ
Ở góc độ khác, bác sĩ trị liệu ngôn ngữ Tan Hui Yong tại Trung tâm phục hồi chức năng Mount Elizabeth, lưu ý bệnh lý ung thư đầu - cổ và quá trình điều trị thường gây biến đổi về giọng nói, ngôn ngữ và khả năng nuốt, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như khả năng hoạt động xã hội của bệnh nhân. Cần có bác sĩ trị liệu ngôn ngữ giúp người bệnh dễ dàng đối mặt với những khó khăn, đồng thời có biện pháp trị liệu khắc phục vấn đề liên quan tới giọng nói, ngôn ngữ và chức năng nuốt.
Thông thường, bác sĩ trị liệu ngôn ngữ làm công tác tâm lý và can thiệp với bệnh nhân trước, trong và sau khi điều trị để giữ cho họ khả năng giao tiếp và nuốt càng bình thường càng tốt. Trường hợp bắt buộc phải cắt bỏ thanh quản, bệnh nhân bị mất khả năng nói bằng miệng thì có phương pháp thay thế khác như dùng các thiết bị trợ giúp giao tiếp bên ngoài. Bác sĩ hướng dẫn người bệnh phương pháp nói từ thực quản (nói bằng cách đẩy không khí tới ống dẫn thức ăn), hoặc dùng thanh quản nhân tạo điện tử có khả năng phát ra âm thanh. Một số trường hợp được lắp giả khí thực quản (TEP), bệnh nhân nói qua chiếc van nhỏ một chiều để chuyển không khí từ khí quản tới họng.
Tình trạng phổ biến của bệnh nhân sau điều trị ung thư đầu và cổ là chứng khó nuốt, khó ăn và uống. Các cơ đảm nhiệm chức năng nuốt có thể bị yếu và giảm khả năng chuyển động do tác dụng phụ của hóa xạ trị hay bị sẹo sau khi xạ trị. Tình trạng này khiến cho bệnh nhân ăn lâu hơn, khó nuốt thực phẩm khô, thức ăn dính trong họng sau khi nuốt, thức ăn hay chất lỏng chảy ra từ mũi, ho và nghẹn trong khi hay sau khi nuốt. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể suy dinh dưỡng và mất nước, nặng thì viêm phổi và bệnh phổi mạn tính.
Ngoài những triệu chứng trên, nhiều bệnh nhân ung thư còn bị mất hứng thú ăn uống và trầm cảm, tách biệt khỏi xã hội. Để khắc phục tình trạng này, bác sĩ trị liệu ngôn ngữ sẽ đánh giá khả năng nuốt, có thể chỉ định làm nội soi hầu họng. Dựa vào thể trạng từng bệnh nhân, bác sĩ đưa ra lời khuyên để có những điều chỉnh thích hợp, chẳng hạn như thay đổi tư thế, chế độ ăn hoặc dùng mẹo để nuốt. Nếu bệnh nhân không thể nuốt an toàn dù đã áp dụng các phương pháp phục hồi, bác sĩ cân nhắc đến phương pháp cho ăn thay thế kết hợp với trị liệu phục hồi các cơ nuốt cho người bệnh.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy bệnh nhân được điều trị ngôn ngữ và khả năng nuốt trước khi xạ trị có kết quả tốt hơn trong việc duy trì cấu trúc cơ và chức năng nuốt. Để đạt được hiệu quả tối ưu, các bác sĩ khuyên người bệnh nên bắt đầu quá trình trị liệu xuyên suốt từ trước, trong và sau khi điều trị ung thư. Thực tế, việc can thiệp cải thiện khả năng ngôn ngữ và chức năng nuốt triển khai từ trước khi điều trị ung thư giúp duy trì chức năng cơ và cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân về sau.