Trả lời:
Chào bạn,
Trước khi quan tâm đến vấn đề có nên chích ngừa không, bạn cần sơ cứu vết thương trước vì nó quyết định rất nhiều đến nguy cơ lây nhiễm bệnh khi bị súc vật cào.
Khi vô tình bị súc vật cào trúng hoặc cắn, bước đầu tiên phải làm là rửa vết thương bằng xà phòng. Nếu không có xà phòng thì vẫn rửa dưới vòi nước đang chảy từ 10 đến 15 phút, sau đó vệ sinh kỹ với cồn sát khuẩn càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không bịt kín vết thương, không nên cố gắng chích hoặc nặn máu vì làm vậy không tốt cho da còn kích thích virus chạy nhanh hơn vào máu.
Nên chích ngừa dại trong trường hợp con vật có biểu hiện dại, không có khả năng theo dõi, bị cắn từ phần ngực trở lên. Các trường hợp còn lại, nếu súc vật đã được chích ngừa hoặc theo dõi được hoặc chưa thấy dấu hiệu bệnh thì có thể theo dõi thêm, chưa cần phải chích ngừa ngay. Những trường hợp nghi ngờ súc vật bị mắc bệnh dại qua các biểu hiện như cắn khi không bị trêu chọc, tiết nhiều nước bọt, ăn những thứ khác thường, thay đổi âm thanh trong thời gian theo dõi thì nên đi chích ngừa ngay.
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu từ súc vật mang bệnh dại tiếp xúc với người. Virus dại bị bất hoạt nhanh chóng với xà phòng nhưng ở môi trường bình thường virus dại sống từ một đến 2 tuần.
Virus dại lây truyền thông qua vết cắn, cào xước, liếm hoặc làm thịt động vật mang virus dại khi da bị tổn thương. Đã ghi nhận trường hợp lây truyền qua đường hô hấp khi nạn nhân hít phải không khí ô nhiễm chứa nhiều virus dại.
Một số trường hợp ghi nhận lây truyền dại từ người sang người khi ghép giác mạc của người mắc bệnh dại cho người lành hoặc ghép tạng đặc. Chưa ghi nhận các trường hợp lây truyền từ người qua vết cắn hay cào xước lẫn nhau.
Một số trường hợp lây bệnh dại ở người có vết thương trên da tiếp xúc với đồ vật trung gian của súc vật nghi ngờ nhiễm dại. Tuy nhiên xác suất lây nhiễm trong tình huống này rất thấp.
Thân ái.